CEO Asanzo: Đối tác e ngại đòi tiền, kho bãi treo, việc làm của 2.000 công nhân đang bị ảnh hưởng

CEO Asanzo: Đối tác e ngại đòi tiền, kho bãi treo, việc làm của 2.000 công nhân đang bị ảnh hưởng

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo VN chia sẻ công ty bị thiệt hại nặng nề liên quan tới thông tin xuất xứ sản phẩm.

Chia sẻ với BizLIVE mới đây, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cho biết, trong sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Asanzo, dù 100% linh kiện nhập nhưng công ty hoàn thiện khâu cuối cùng ở Việt Nam thì công ty vẫn có thể ghi là “made in Vietnam”. Ông Tam cho rằng, liên quan tới quy định nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa cần phải có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tam, một doanh nghiệp đầu tư thường không bao giờ dám đầu tư sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp tiến hành thăm dò trước, đưa linh kiện nước ngoài vào, làm ra số lượng nhỏ để thử nghiệm thị trường rồi mới bắt đầu đầu tư sản xuất.

‘‘Như chúng tôi đến năm thứ 5 mới dám đầu tư sản xuất đại trà nhà máy mới. Phải có thị trường, có thương hiệu mới dám đầu tư chuyên sâu. Trước kia chúng tôi nhập khá nhiều nhưng sau này càng ngày càng tự tin hơn về thị trường, sản phẩm thì mới đầu tư nhà máy, xưởng để tăng nội địa hóa’’, ông Phạm Văn Tam chia sẻ.

“Hiện rất nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự như Asanzo và hiện giờ công ty đang chờ các cơ quan chức năng xác minh sự việc. Giải quyết việc làm cho 2.000 công nhân là vấn đề nhức đầu, kho bãi nhà xưởng hiện nay treo hết, đối tác họ e ngại đòi tiền, đó là hệ lụy không thể đo được bằng tiền’’, CEO Asanzo nói thêm.

Ông Tam cho rằng thiệt hại từ sự việc vừa qua lên đến vài trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng. “Tôi không biết sau vụ này kể cả chúng tôi minh bạch đi chăng nữa thì kêu ai để đền bù, kêu như thế nào thì phần thiệt vẫn là doanh nghiệp’’, CEO Asanzo nói.

Trước thông tin Nguyễn Kim và Điện Máy Xanh tiến hành thu đổi sản phẩm của Asanzo và đổi sản phẩm thương hiệu khác cho người tiêu dùng, phía Asanzo Việt Nam đã có thông báo liên quan vụ việc.

Theo đó, Asanzo khẳng định không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách của khách hàng và đối tác. Asanzo khẳng định và cam kết hàng hóa kinh doanh của công ty là hợp pháp, được phép lưu thông trên thị trường, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của Việt Nam.

Về vấn đề rà soát liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, việc gắn nhãn của Asanzo, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc được dư luận quan tâm là CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam bán tại thị trường trong nước. Thủ tướng yêu cầu các bộ báo kết quả trước ngày 30/7/2019.

Theo Huyền Trâm

BizLive